Tiểu sử Mikhael_VII_Doukas

Mikhael VII sinh vào khoảng năm 1050 tại kinh thành Constantinopolis, trưởng nam của hoàng đế Konstantinos X Doukas và hoàng hậu Eudokia Makrembolitissa.[1] Ông được tiên đế phong làm đồng hoàng đế vào cuối năm 1059, cùng với hay một thời gian ngắn trước khi đứa em trai vừa mới chào đời Konstantios Doukas.[2] Khi phụ hoàng Konstantinos X băng hà vào năm 1067, Mikhael VII lên ngôi lúc mới 17 tuổi đủ khả năng trị vì. Thế nhưng, vị hoàng đế trẻ tuổi lại chẳng thèm ngó ngàng gì đến chính sự và do đó thái hậu Eudokia và hoàng thúc Ioannes Doukas làm phụ chính nắm quyền chi phối cả đế chế.[3]

Ngày 1 tháng 1 năm 1068, Eudokia làm lễ thành hôn với tướng Romanos Diogenes, kẻ giờ đây trở thành vị đồng hoàng đế bề trên cùng với Mikhael VII, Konstantios, và một người em khác, Andronikos.[4] Tới khi Romanos IV bị quân của Alp Arslan, thủ lĩnh người Thổ Seljuk đánh bại và bắt làm tù binh trong trận chiến ở Manzikert vào tháng 8 năm 1071,[5] vị thế trong triều của Mikhael VII vẫn còn mờ nhạt, trong lúc hoàng thúc Ioannes Doukas và thầy dạy Mikhael Psellos tranh thủ nắm lấy ưu quyền trong tay.[6] Họ mưu tính đề phòng trường hợp Romanos quay về giành lại quyền bính sau khi được thả ra khỏi tù, trong khi Mikhael cảm thấy không có nghĩa vụ tôn trọng thỏa thuận mà Romanos đã đề ra với Sultan.[1] Sau khi gửi Eudokia vào một tu viện, Mikhael VII lại đăng quang một lần nữa vào ngày 24 tháng 10 năm 1071 với tư cách là hoàng đế bề trên.

Dù vẫn được sự khuyên bảo từ Mikhael Psellos và Ioannes Doukas, Mikhael VII ngày càng trở nên dựa dẫm vào vị Đại thần Tài chính Nikephoritzes.[7] Mối quan tâm chính của hoàng đế dưới sự định hướng của Psellos chỉ cốt theo đuổi học vấn, và ông đã cho phép Nikephoritzes gia tăng thuế má và tiêu xài hoang phí mà không có sự tài trợ thích đáng dành cho quân đội. Bản thân là một hoàng đế kém cỏi bất tài, luôn được quần thần xu nịnh vây quanh và không nhận ra là cả đế chế đang suy sụp dưới chân mình.[1] Trước tình cảnh khó khăn ấy, quan viên trong triều chỉ lo khôi phục lại đống của cải bị tịch thu và thậm chí còn tước đoạt một số tài sản của giáo hội. Quân đội được trả lương thấp có xu hướng dấy loạn, và Đông La Mã còn để mất Bari, cứ điểm hải ngoại cuối cùng của họ ngay trên đất Ý, vào tay người Norman dưới sự thống lĩnh của Robert Guiscard vào năm 1071.[6] Đồng thời, họ phải đối mặt với một cuộc nổi loạn nghiêm trọng tại khu vực Balkan hòng khôi phục lại nền độc lập của quốc gia Bulgaria xưa kia.[7] Dù cuộc bạo loạn này đã bị tướng Nikephoros Bryennios trấn áp mạnh tay,[7] Đế quốc Đông La Mã khó lòng lấy lại được những tổn thất mà họ phải gánh chịu ở Tiểu Á.

Miliaresion của Mikhael VII Doukas.

Kể từ sau lần thảm bại ở Manzikert, chính quyền Đông La Mã đã phái một đạo quân mới gầy dựng nhằm ngăn chặn bước tiến của người Thổ Seljuk dưới sự chỉ huy của Isaac Komnenos, anh của vị hoàng đế tương lai Alexios I Komnenos, nhưng đạo quân này bị đánh tan tành và tướng chỉ huy bị bắt làm tù binh vào năm 1073.[8] Vấn đề ngày càng trở nên tồi tệ thêm bởi sự đào ngũ của nhóm lính đánh thuê phương Tây của Đông La Mã, giờ trở thành đối tượng của những cuộc viễn chinh quân sự tiếp theo trong khu vực thuộc quyền Caesar dưới sự chỉ huy của Ioannes Doukas.[8] Chiến dịch này cũng kết thúc trong thất bại, và chỉ huy thì sa vào tay quân thù. Nắm được phần thắng rồi, quân đánh thuê tha hồ ép Ioannes Doukas vào cái thế tranh giành ngôi báu. Triều đình của Mikhael VII đã buộc phải thừa nhận các cuộc chinh phục của người Seljuk ở Tiểu Á vào năm 1074 và tìm kiếm sự ủng hộ của họ.[1] Cùng năm đó, một đạo quân mới tuyển mộ dưới sự chỉ huy của Alexios Komnenos, nhờ quân Seljuk do Malik Shah I gửi đi kịp thời đến chi viện, cuối cùng đã đánh bại toàn bộ nhóm lính đánh thuê và bắt sống Ioannes Doukas.[9]

Những tai ương này chỉ khiến sự bất mãn lan rộng trong dư luận, càng thêm trầm trọng hơn bởi đồng tiền bị mất giá, bởi vậy dân chúng mới gán cho hoàng đế cái biệt danh Parapinakēs, "trừ một phần tư".[1] Năm 1078, hai viên tướng Nikephoros BryenniosNikephoros Botaneiates lần lượt dấy binh làm phản tại vùng Balkans và Anatolia.[9] Botaneiates giành được sự ủng hộ của dân Thổ Seljuk, và ông ta đã đặt chân đến Constantinopolis trước tiên. Mikhael VII đành phải thoái vị trước sức ép của quần thần vào ngày 31 tháng 3 năm 1078 và lui về quy ẩn tại Tu viện Stoudios.[10] Sau ông thụ phong chức Giám mục giáo khu Ephesus[11] và mất ở Constantinopolis khoảng năm 1090.[12]